0933 222 872

NGHỆ THUẬT VẢI GẤM VIỆT NAM

Mặt hàng tơ lụa thủ công của nước ta ngoài các sản phẩm như: the, lĩnh, quế, đoạn, sa, đũi, là, vóc, kỳ cầu, phải kể đến chất liệu vải gấm. Bởi gấm là loại vải quý, cao cấp nhất trong tất cả các sản phẩm tơ lụa, kỹ thuật dệt đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, óc thẩm mỹ tốt. Chất liệu vải gấm có lịch sử lâu đời ở nước ta, phát triển rực rỡ nhất trong tất cả các mặt hàng thủ công mỹ nghệ thời trước. Gấm hoa tỏa sáng như ngọc trai trong truyền thống ngành gấm lụa Việt Nam. Tuy nhiên do thiếu thông tin, tài liệu lịch sử nên nó vẫn được gọi là gấm hoa đơn thuần, cho đến tận bây giờ thì vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng.

Khi khoa học công nghệ ngày càng phát triển, hiện đại, tiên tiến thì những ý tưởng, kỹ thuật mới được hình thành. Ngành công nghiệp thời trang cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, những tiến bộ đó sẽ không thể thực hiện được nếu không có nền tảng cơ bản của kỹ thuật truyền thống. Dệt vải cũng là một hình thức của kỹ thuật tạo chất liệu cho thời trang phát triển, mà mỗi chất liệu vải phải đòi hỏi những kỹ thuật riêng. Đối với vải gấm, loại hàng dệt được mệnh danh là bà chúa của các mặt hàng tơ lụa thì rất ít người nắm được kỹ thuật. Theo truyền thuyết dân gian dưới thời Lê thì làng Vạn Phúc là một trong những nơi dệt gấm nổi tiếng nhất của cả nước, cho tới nay vẫn không ngừng cải tiến để giữ lấy nghiệp tổ.

Để tạo ra được những chất liệu gấm tuyệt hảo cần có một quy trình kỹ thuật công nghệ nghiêm ngặt với nhiều công đoạn (hay còn gọi là các khâu) như tơ, hồ sợi, nhuộm, dệt. Mỗi công đoạn đều rất công phu, tỷ mỷ. Ngay từ khi chọn nguyên liệu, phải đảm bảo sợi tơ có màu trắng, sợi bóng nhẵn, không sùi lông, đều sợi. Sau đó, sợi tơ được đem đi hồ, việc hồ sợi chỉ thực hiện đối với loại sợi dọc. Kỹ thuật hồ sợi đòi hỏi rất cao về định lượng chất hãm, người thợ pha thêm sáp ong vào hồ, đồng thời sử dụng bí quyết kỹ thuật riêng, làm cho sợi vừa dẻo dai, vừa bóng. Sợi tơ tằm đã hồ, được đưa sang công đoạn tẩy rồi chuyển sang công đoạn nhuộm, sau đó cho vào máy dệt để hình thành sản phẩm vải gấm. Không phải bất cứ loại sản phẩm tơ lụa nào cũng đem nhuộm trước, mà có loại để trắng tinh khiết, ngả màu vàng ngà như lụa nõn, lĩnh hoặc the (chỉ nhuộm và hồ khi đã dệt xong). Riêng vải gấm thì sợi tơ phải nhuộm màu trước rồi mới dệt.

Gấm bao gồm gấm trơn và gấm hoa, đây là mặt hàng dệt theo kiểu đan nong mốt của kỹ thuật đan mây tre, nên mặt gấm mềm, óng ả, tạo độ ẩm nông sâu, khi ánh sáng mặt trời chiếu vào, màu sắc biến đổi theo góc độ mắt nhìn cảm nhận của con người.

Gấm trơn

Khung cửi dệt gấm có 2 loại: dệt hàng trơn, dệt hàng hoa. Về mặt hình thức, chức năng sử dụng thì 2 loại khung cửi này có nhiều điểm khác nhau. Nhưng nguyên lý vận hành của chúng lại chỉ là một.

Khung cửi dệt hàng trơn cấu tạo đơn giản, khung có 1 tầng, 2 bàn go thẳng. Chiếc khung cửi đơn cổ truyền có kích thước: dài từ 3 m đến 3,2 m, ngang 0,4m, cao 1,2 m. Nó có 2 cửa, cấu tạo bên trên là 4 trụ (mỗi trụ cao 1,2 m). Đầu của các trụ đều đặt bộ song hành có đòn gánh, khổ và con cò (còn gọi là con cá hay con cuốn).

Gấm trơn là loại chất liệu vải không có họa tiết hoa văn trên bề mặt, có độ bóng, bắt ánh sáng mạnh, thường rất mịn, màu sắc đẹp, có độ bền, dai nhất định. Mặt hàng gấm trơn có nhiều màu khác nhau, sắc độ cũng rất phong phú, bắt mắt như: lam sẫm, tím Huế, nâu đồng, vàng kem, vàng nghệ, hồng đào, đỏ cờ, đỏ nhung, xanh lục… Thời xưa, gấm trơn cũng thường được dùng để may lễ phục cho những người quyền quý như phi tần, cung nữ, các quan trong triều hoặc làm lớp lót trong cho áo bào của nhà vua. Khi mặc áo gấm trơn, người ta thường mặc thêm áo the hay áo sa ở ngoài để tạo hòa sắc nền nã, phô trương cái đẹp một cách kín đáo.

Lụa vân, hàng vải gấm có đặc tính gần giống nhau, nhất là gấm trơn. Nếu như không tinh mắt, sành về gấm thì ít người có thể phân biệt đâu là tấm gấm trơn, đâu là tấm lụa hàng vân. Có khác chăng là lụa vân mỏng hơn gấm, màu sắc, hoa văn cũng không cầu kỳ bằng gấm. Dệt gấm cũng tựa như dệt lụa vân, nhưng phức tạp hơn vì cấu tạo vải gấm dày, độ bóng, màu sắc đa dạng, vượt trội hơn mặt hàng lụa vân.

Gấm hoa

Trong tất cả các loại hàng lụa dệt hoa thì vải gấm là mặt hàng quý nhất, khó làm nhất trong số các mặt hàng tơ lụa. Ở Việt Nam, có một thời gấm là loại hàng được xếp ngang giá trị với vàng bạc.

Từ xa xưa đến nay, vải gấm được coi là thứ hàng cao cấp, bởi chất liệu khá kén người sử dụng và môi trường may mặc, nhất là đối với vải gấm hoa. Họa tiết của gấm hoa tinh xảo, trên một tấm gấm có thể nhiều màu hoặc tối thiểu cũng hai đến ba màu, tạo nên độ rực rỡ lung linh.

Muốn dệt được tấm gấm nhiều màu sắc, người thợ phải dệt nổi từ 1 khung cửi được thiết kế làm 2 tầng, còn gọi là khung hoa. Đó là một thứ máy thủ công khá phức tạp. Chiếc khung độc đáo này sẽ được 2 người điều khiển nhịp nhàng, chính xác. 1 người ngồi trên, 1 người ngồi dưới. Người ngồi trên kéo hoa, cứ khi nào con cuốn kêu hai tiếng éc e thì người ngồi dưới biết hiệu mà dệt cho đúng nhịp.

Lụa gấm hoa Vạn Phúc. Ảnh Thiên Kiều

Lụa gấm hoa Vạn Phúc.

Khung dệt hàng hoa cấu tạo phức tạp hơn rất nhiều so với khung dệt đơn (hay dệt trơn). Ngoài các bộ phận nói trên, khung dệt hoa còn có thêm: hệ thống tạo hoa (gọi là cây hoa), hệ thống này gồm có bộ cỗ thảo để đưa hoa xuống hoặc kéo hoa lên, bên dưới là bộ go dọc và go ngang. Ở khung cửi dệt hoa, số lượng chân đòn cũng nhiều hơn ở khung dệt đơn. Các chân đòn có tác dụng điều khiển hoạt động của cái bàn gỗ ở cây hoa (cái chặn đòn đó nghệ nhân dệt gọi là chân hoa).

Như vậy, cả hai loại khung cửi đều được chế tạo trên những nguyên tắc gần giống nhau. Nhưng khung cửi dệt hoa thì nhiều go hơn. Mẫu hoa văn dệt trên gấm càng nhiều kiểu dáng thì số lượng go càng lớn.

Dệt gấm rất khó, rất phức tạp nên khung dệt cũng là loại đặc biệt. Muốn cài hoa nổi, người thợ phải khéo léo luồn sợi như thêu trên máy dệt một cách công phu, đòi hỏi kỹ thuật, bàn tay tài hoa của người thợ. Đối với hàng dệt gấm thì không máy móc hiện đại nào có thể so sánh nổi với đôi bàn tay vàng của người thợ thủ công, với cái khung cửi cổ truyền.

Khi xưa dệt gấm phải một người kéo hoa, một người dệt. Ngày nay riêng về phần kéo hoa không phải cần đến người. Đã có một bộ phận máy kết cấu những hàng kim ngang, kim dọc, co sợi cửi lên một cách nhịp nhàng đan thành hoa văn trên mặt gấm. Tuy nhiên, trước đó người thợ phải vẽ mẫu hoa của mình vào, rồi trổ thành những lỗ giống như tổ ong ở miếng các tông, để cho kim ngang, kim dọc theo trình tự của kết cấu mà hoạt động.

Ngày nay, các thế hệ nghệ nhân, thợ dệt làng nghề Vạn Phúc không ngừng cải tiến kỹ thuật sản xuất mẫu hàng, những thủ pháp nghệ thuật. Sản phẩm nghệ thuật, ở bất cứ loại nào cũng đạt tới mức hoàn mỹ. Hàng trơn thì óng ả, mềm mại, nuột nà, hàng dệt hoa thì đạt tới độ cực kỳ tinh tế, với màu sắc khi óng ánh, khi trang nhã, có khi còn rực rỡ, khi nổi, khi chìm, rất bắt mắt. Những họa tiết, hoa văn, đồ án trang trí bằng kỹ thuật sợi dọc, sợi ngang phức tạp được thay bằng nghệ thuật cài hoa, dệt thủng, tạo cho tấm gấm nhiều màu sắc rực rỡ với đường nét hoa văn mang tính tạo hình, tính thẩm mỹ cao.

Trên thế giới, người ta gọi dệt gấm hoa hay còn gọi là kiểu dệt Jacquard. Vào năm 1801, trong một cuộc triển lãm hàng công nghiệp tại Pháp, ông Joseph Marie Jacquard đã giới thiệu một loại máy dệt vải hoa to mà muốn dệt vải cần phải có hệ thống kim và móc điều khiển từng dây go hoặc từng nhóm, dây go để nâng sợi dọc lên. Kiểu dệt Jacquard tạo cho mặt vải có những trang trí kiểu hình học hoặc hình hoa, cho hai mặt vải khác nhau. Mặt phải là những hình dệt rõ nét, mặt trái mờ hơn. Trên thực tế, kiểu dệt Jacquard mà chúng ta thường nhìn thấy chính là các loại vải gấm hoa, lụa hoa của nước ta.

Gấm hoa được phân chia làm 5 loại gấm khác nhau thể hiện màu sắc trên mỗi tấm vải gấm, đó là: gấm nhị thể, gấm tam thể, gấm tứ thể, gấm ngũ thể, gấm thất thể.

Gấm nhị thể

Gấm nhị thể được gọi như vậy vì mỗi tấm gấm có 2 màu sắc hòa trộn vào nhau tạo nên sự hài hòa, nhã nhặn.Mỗi tấm gấm nhị thể có màu sắc, họa tiết đan xen lại với nhau theo kiểu dệt Jacquard. Có thể là màu xanh – trắng, đen hạt cải – đỏ điều, nâu – vàng mỡ gà, nâu – vàng đất… Họa tiết, hoa văn thường sử dụng các nhóm thực vật, môtip cây cỏ, hoa lá, chim muông.

Gấm tam thể

Là loại gấm gồm có 3 màu sắc khác nhau như xanh – đen – vàng, hay đen – tím than – trắng, đỏ – đen – tím… Họa tiết hoa văn của gấm tam thể giống gấm nhị thể cũng là nhóm thực vật, hoa cỏ thiên nhiên, sóng nước, được kết hợp hoàn chỉnh trong bố cục tự do.

Gấm tứ thể

Gấm tứ thể là loại gấm sử dụng tơ có 4 màu sắc khác nhau để dệt: xanh côban – vàng đất – hồng – tím huế, vàng thư – hồng – xanh… Họa tiết thường lấy ở các môtip trang trí cổ và nhóm thực vật, cây cối thiên nhiên.

Gấm ngũ thể

Gấm ngũ thể có 5 màu sắc rất đẹp, sinh động, họa tiết chủ yếu là các nhóm thực vật, động vât, các hoa văn cổ, cây cối thiên nhiên: hoa cúc, hoa hồng, mẫu đơn, các chùm hoa dây, hình kỷ hà, đám mây, con rồng, con dơi, các hình thủy ba, sóng nước…

Gấm thất thể

Trong tất cả các loại gấm thì đẹp, quý giá nhất phải kể đến gấm thất thể, trên tấm gấm này có 7 màu sắc lóng lánh, sinh động với nhiều họa tiết được dệt tinh xảo, sắc nét thể hiện các hình hoa văn trong nhóm thực vật, động vật các biểu tượng trong thiên nhiên, đời sống như hoa cúc, hoa hồng, mẫu đơn, hoa trà, hoa chanh, các chùm hoa dây, hình kỷ hà, đám mây, con rồng, con dơi, các hình thủy ba, sóng nước, chữ thọ, chữ triện, quả lựu, quả bầu, quả đào, ống bút, đồng tiền…

Ở nhiều nơi, người ta gọi gấm hoa là gấm mây, bởi đường nét, sắc màu trên gấm trông giống như những đám mây đẹp trời vào ban sáng. Trước kia, gấm mây được sử dụng may trang phục, đồ dùng trang trí cho vua chúa tronghoàng cung bởi chính vẻ đẹp lung linh, lộng lẫy biểu hiện sự cao sang của nó.

Vải gấm được lựa chọn để tiến vua chủ yếu là gấm thất thể (bảy màu), thứ hàng đẹp, tinh tế nhất trong tất cả loại gấm. Loại gấm này là đỉnh cao của nghệ thuật trang trí, phối màu cùng các đường nét hoa văn trên vải cũng như truyền thống của kỹ thuật dệt.

Chất liệu vải gấm có lịch sử lâu đời, ở nước ta phát triển rực rỡ trong nhiều mặt hàng dệt cũng như thủ công mỹ nghệ. Ngoài sự tinh tế về kỹ thuật, cho ra một sản phẩm mang tính thực dụng, phục vụ cho trang phục, nhu cầu làm đẹp của con người trong xã hội, nó còn hàm chứa cả óc sáng tạo, bàn tay khéo léo, tâm hồn của người thợ thủ công truyền thống, biểu hiện những giá trị văn hóa thẩm mỹ nhất định, mang tính nghệ thuật độc đáo của chất vải gấm Việt Nam.